Được biết đến là loại khoáng sản với những tính chất vật lý hoàn hảo, không lạ gì khi Kim cương được xếp vào vị trí đứng đầu trong danh sách đá quý. Chúng không chỉ mang đến nhiều công dụng công nghiệp mà còn có giá trị rất lớn trong lĩnh vực trang sức.
Kim cương còn được gọi là Adamas (αδάμας) trong tiếng Hy Lạp, có nghĩa là “không thể phá hủy”. Chúng được tạo thành từ quá trình nén Cacbon dưới nhiệt độ và áp suất rất cao. Hiện nay, khoảng 49% kim cương được khai thác ở Trung Phi và Nam Phi, mặc dù một số lượng lớn kim cương cũng được tìm thấy ở Canada, Ấn Độ, Nga, Brasil, Úc. Hầu hết chúng được khai thác ở những miệng núi lửa đã tắt, sâu trong lòng Trái Đất nơi mà áp suất và nhiệt độ cao làm thay đổi cấu trúc của các tinh thể.
Tuy vậy, chỉ khoảng 20% sản lượng kim cương trên thế giới được dùng làm hàng trang sức, 80% kim cương kém phẩm chất hơn được sử dụng trong công nghiệp khoan cắt và các ứng dụng nghiên cứu.
Về mặt phong thủy, Kim cương được cho rằng là đá quý đại diện cho tháng 4, sở hữu khí Kim trong ngũ hành nguyên tố.
Để tính toán được giá trị của Kim cương, người ta thường dựa vào 4 yếu tố: Màu sắc, độ trong, giác cắt và trọng lượng:
Màu sắc
Kim cương có rất nhiều màu sắc: không màu, xanh dương, xanh lá cây, cam, đỏ, tía, hồng, vàng, nâu và cả đen. Những viên kim cương có những vệt màu sáng được gọi là những viên kim cương màu, trong khi đó những viên kim cương có màu rất đậm sẽ được gọi là “Fancy Diamond – có màu sắc rực rỡ”. Màu sắc đẹp là vậy, tuy nhiên Kim cương trong suốt không màu lại là loại có giá trị cao nhất. Kim cương có độ màu cực trắng và trong sẽ được đánh giá là loại D với giá trị cao hơn rất nhiều so với loại Kim cương có màu hơi vàng ngả sang nâu – Loại Z.
Độ trong
Độ trong được đánh giá dựa vào kết quả kiểm tra Kim cương khi nhìn dưới kính lúp 10 lần: trong đó, số lượng các vết trầy xước, màu sắc của những vết gãy, vị trí của chúng, tất cả đều được dùng để đánh giá kim cương. Độ trong càng cao, giá trị càng lớn, bởi chúng sẽ quyết định rất nhiều đến ánh lửa – khả năng tán sắc của Kim cương. Theo đó, một viên Kim cương giá trị càng cao khi số lượng vết trầy, xước, vết nứt tự nhiên càng ít và càng tránh xa khỏi phần bề mặt. Cũng chính vì vậy 80% lượng Kim cương hiện nay với độ trong thấp, nhiều vết rạn sẽ được dùng cho công nghiệp là chủ yếu, dùng để khoan cắt những Kim loại cứng khác.
Giác cắt
Thông thường một viên kim cương đã được cắt sẽ có giá trị tăng thêm rất nhiều mặc dù khối lượng của nó bị giảm đi hơn 30%, nguyên do bởi vì đối với trang sức, yếu tố thẩm mỹ là yếu tố quan trọng hơn cả. Một viên kim cương được coi là “cắt tốt” khi nhìn từ trên xuống phải có màu trắng, tỉ lệ giữa phần bề mặt. Nếu giác cắt không tốt, phần bàn của Kim cương sẽ xuất hiện màu đen ở chính giữa ảnh hưởng rất nhiều đến vẻ đẹp tổng thể.
Trọng lượng
Carat là đơn vị dùng để đo khối lượng của đá quý nói chung, theo đó, 1 carat được tính là 200milligram.
Giá của mỗi carat kim cương không tăng đều theo khối lượng của chúng, thay vì thế chúng được chia thành các mức trọng lượng khác nhau với giá trị chênh lệch giữa các mức là rất lớn. Ví dụ: 1 viên Kim cương 0.95 carat so với viên Kim cương 0.85 giá trị không thay đổi nhiều, nhưng lại rẻ đáng kể nếu đem so với giá trị của một viên 1.05 carat.
Ngoài ra, còn một yếu tố nữa khiến Kim cương là loại đá phù hợp nhất dành cho Trang sức: Độ bền
Kim cương là vật chất cứng nhất được tìm thấy trong tự nhiên với độ cứng là 10 trong thang độ cứng Mohs cho các khoáng vật. Nhờ độ cứng đó, Kim cương chỉ có thể bị làm trầy bởi một viên kim cương khác (ít gặp trong các vật dụng hằng ngày), do đó thay vì chỉ mang được trang sức trong những dịp đặc biệt và phải hết sức cẩn thận nếu dùng đá quý khác, bạn hoàn toàn có thể tự tin lựa chọn trang sức kim cương mà không phải lo ngại nhiều về độ lấp lánh, độ bền của chúng.
Đẹp, giá trị và bền bỉ qua thời gian!!! Bạn còn chần chừ gì nữa mà không sở hữu cho mình một món trang sức Kim cương ngay hôm nay?